Một góc thị xã Từ Sơn hiện nay. Ảnh: TH

Với vai trò là đô thị cửa ngõ của tỉnh Bắc Ninh, từ đây thị xã Từ Sơn sẽ có thêm động lực tiếp tục phát triển bền vững trên nền tảng: Văn hóa - sinh thái - tri thức; có cơ sở kinh tế vững chắc, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Thị xã Từ Sơn là cửa ngõ của tỉnh Bắc Ninh, là đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ liên kết với các tỉnh, kết nối với thủ đô Hà Nội và nằm trên các trục giao thông của các hành lang kinh tế khu vực Bắc Bộ. Đồng thời các tuyến đường nội thị Từ Sơn được đầu tư đồng bộ mang lại nhiều lợi thế quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Với những điều kiện thuận lợi đó, thị xã Từ Sơn đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội vượt chỉ tiêu với những kết quả ấn tượng.

Ngày 1- 12 - 2018 vừa qua, thị xã Từ Sơn vinh dự đón nhận quyết định công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng đánh dấu một chặng đường xây dựng và phát triển của Từ Sơn trong thời kỳ hội nhập, đưa thị xã vững vàng vươn lên tầm cao mới.

Năm 2007 Từ Sơn được công nhận là đô thị loại IV theo Văn bản thỏa thuận 1148/2007/ BXD-KTQH ngày 31-5-2007 của Bộ Xây dựng. Năm 2008, huyện  được nâng cấp thành thị xã theo Nghị định số 01/2008/ NĐ-CP ngày 24-9-2008 của Chính phủ. Xác định việc phát triển đô thị văn minh, hiện đại nhằm khai thác tối đa vị thế là nhiệm vụ cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thị xã Từ Sơn đã nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng thị xã Từ Sơn trở thành đô thị loại III trước năm 2020, bảo đảm “Hiện đại, văn minh, văn hiến, hài hòa và bền vững”. 

Quyết tâm này đã tạo thành những chuyển biến cụ thể. Đến nay, sau 10 năm được nâng cấp lên thị xã, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của thị xã đạt hơn 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại, du lịch chiếm hơn 98%, ngành nông nghiệp còn dưới 2%. Tổng thu ngân sách năm 2017 đạt 4.143 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 110,21 triệu đồng/người, gấp 2,06 lần so với bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,09%, là một trong những địa phương có số hộ nghèo thấp nhất tỉnh.

Hệ thống hạ tầng đô thị từng bước được cải thiện, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư xây dựng và phát triểt như hệ thống giao thông, hệ thống điện, nước sạch, sử lý nước thải…Thị xã hiện có 121,82 km đường chí đô thị, 9 nhà máy nước sạch... Toàn bộ hệ thống hạ tầng xã hội được đầu tư bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn của đô thị và tiêu chí nông thôn mới.

Đáng chú ý, các khu chức năng công cộng, thương mại, dịch vụ của đô thị được hình thành và mở rộng như: Khu hành chính, chính trị nằm trên đường tỉnh 277, khu thương mại dịch vụ trên trục đường trung tâm, khu du lịch văn hóa đền Đầm, khu Sơn lăng cấm địa, khu lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Văn Cừ... Các khu đô thị mới, khu dân cư như: Khu dân cư Phú Điền, khu đô thị Nam Từ Sơn, Bắc Từ Sơn, khu đô thị Dabaco, khu biệt thự liền kề Đồng Kỵ… được xây dựng đồng bộ cả về hạ tầng, công trình công cộng cũng như nhà ở. Bên cạnh đó, thị xã còn triển khai nhiều dự án xây dựng nhà ở cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân các KCN với tổng diện tích sàn nhà ở lên tới hơn 160.000m2 đáp ứng cho gần 7.000 người được hưởng lợi.

Nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành và phát triển theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, bảo đảm môi trường, ưu tiên công nghiệp hỗ trợ cho các Tập đoàn đa quốc gia; hỗ trợ sản xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp làng nghề đi đôi với bảo vệ môi trường. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hoá. Tăng cường liên kết giữa nhà nông – nhà khoa học - nhà doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển bền vững nền nông nghiệp địa phương, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường nói chung.

Quy mô công nghiệp tăng nhanh, công nghệ ngày càng hiện đại, công nghiệp hỗ trợ đã hình thành, là hạt nhân tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Theo đó, cơ cấu kinh tế của thị xã đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ, kinh tế khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 78,6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Tổng sản phẩm trên địa bàn thị xã năm 2017 tăng 9,5% so năm 2016; Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 64,3%; dịch vụ 33,9%; nông nghiệp 1,8%. Năm 2017 thu nhập bình quân đầu người là 4.209 USD; Giá trị sản xuất Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là 74.632,1 tỷ đồng, tăng bình quân 35,7%/năm; Giá trị sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp là 517,45 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thị xã năm 2017 là 1.471 tỷ đồng… Những thế mạnh này đã và đang tạo cho thị  xã Từ Sơn thế và lực mới nhằm thu hút đầu tư, phát triển bền vững. Sức hút của đô thị Từ Sơn hiện nay rất lớn, thể hiện qua một lượng lớn lao động cho các KCN, lực lượng sinh viên, học sinh tại các trường đào tạo, dạy nghề và khách thăm quan du lịch…. hằng năm. Hết năm 2017, tổng dân số toàn thị xã hơn 174.600 người, trong đó, dân số khu vực nội thị là 102.800 người, chiếm 58,9% dân số toàn đô thị, mật độ dân số là 2.858 người/km2. Từ Sơn trở thành một trong các thị xã có mật độ dân số cao nhất nước được phân bố đồng đều giữa nội và ngoại thị. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 65,4%. Trình độ học vấn của nguồn nhân lực tương đối cao. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 90,02%.

Cùng với kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng được đặc biệt quan tâm!

Hệ thống trường học, trạm xá, trụ sở, các cơ sở văn hóa,  thể dục thể thao được đầu tư mạnh mẽ  bảo đảm chuẩn của ngành, đáp ứng các tiêu chí phát triển đô thị và nông thôn mới. Về giáo dục, trên địa bàn thị xã có 12 cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học và dạy nghề, 2 Viện nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động có chất lượng không chỉ trên địa bàn thị xã mà còn cho tỉnh và khu vực lân cận. Đối với giáo dục phổ thông, quy mô trường, lớp được mở rộng. Thị xã có 57 trường từ bậc mầm non đến bậc THPT, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 98,5%, có 57/57 trường đạt chuẩn quốc gia. Về Y tế, có 73 cơ sở,  trong đó gồm 1 trung tâm y tế, 12 trạm y tế xã, phường và nhiều phòng khám, cơ sở y tế tư nhân chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm lo sức khỏe nhân dân. Công tác vệ sinh môi trường đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển mạnh góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân. Thị xã có 64 di tích lịch sử văn hóa  (trong đó 42 di tích được xếp hạng) và 49 lễ hội truyền thống được bảo tồn và phat huy giá trị văn hóa. Công tác xây dựng Nhà văn hóa thôn, khu phố được quan tâm đầu tư, đã có hơn 70% thôn, khu phố có nhà văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh, hàng năm đều có trên 80% làng, khu phố đạt danh hiệu văn hóa…

Trong lịch sử, Từ Sơn là vùng đất cổ, nơi phát tích của vương triều nhà Lý cùng nhiều di tích gắn với huyền thoại lịch sử, nơi khai mở nền văn minh Đại Việt. Ngày nay, diện mạo đô thị Từ Sơn ngày càng khang trang hiện đại. Từ Sơn phát triển thành trung tâm thứ hai về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và dịch vụ của tỉnh Bắc Ninh. Phát triển đô thị, Từ Sơn luôn gắn liền với việc quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, môi trường làng nghề, bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình di tích văn hóa - lịch sử. Xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch, văn hóa, lễ hội... bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong đời sống đương đại, tạo dấu ấn đặc trưng của vùng đất ngàn năm văn hiến trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.  

Thị xã Từ Sơn chính thức lên đô thị loại III là động lực lớn để phát triển cùng với thành phố Bắc Ninh,đô thị Tiên Du hướng đến đô thị lõi, hình thành các yếu tố đô thị văn hóa - sinh thái - trí thức - thông minh. Thực hiện đúng với quy hoạch phát triển và khai thác tối đa vị thế của thị xã Từ Sơn trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Từ Sơn không ngừng khẳng định vai trò, phát huy tiềm lực, tiếp tục hoàn thiện những mục tiêu đề ra trong công cuộc phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của người dân về mọi mặt./.

Tạ Hoa