Hướng vào khai thác những tiềm năng, thế mạnh sẵn có nhằm phát triển sản xuất, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu tập trung nâng cao chất lượng, giá trị của nuôi trồng thủy sản thông qua việc quy hoạch vùng nuôi, lựa chọn đối tượng nuôi trồng phù hợp; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh… giúp người dân sản xuất thuận lợi, nâng cao năng suất và sản lượng. Cùng với việc tăng cường các hoạt động tập huấn, trang bị kiến thức khoa học công nghệ cho người nông dân, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi để người dân có thêm điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Nhờ đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong những năm gần đây đang có sự phát triển ổn định, trở thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa quan trọng của ngành nông nghiệp. Tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Bắc Ninh đang có 5.192 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bắc Ninh trong năm 2018 đạt 37.210,4 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản lượng cá đạt 36.048 tấn, tăng 0,5%; sản lượng tôm đạt 280 tấn; sản lượng thủy sản khác đạt 882,4 tấn. Trên cơ sở hiệu quả kinh tế mang lại, hàng loạt mô hình nuôi trồng thủy sản đã được nhân rộng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố như: Mô hình nuôi cá cá trắm, cá chép thương phẩm có giá trị kinh tế cao với 2.345,5ha; Mô hình nuôi cá trôi đạt 938,2 ha, cá mè đạt 562,8, cá rô phi đạt 443,6 ha...



Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững đang mang lại nhiều hiệu quả cho nông dân Bắc Ninh (Ảnh: QM)

Một điểm nổi bật trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở Bắc Ninh đó là các địa phương đã đặc biệt chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Toàn tỉnh hiện có 127 cơ sở nuôi cá lồng với tổng số 1.737 lồng cho sản lượng 5.170 tấn, trung bình mỗi cơ sở nuôi 14 chiếc lồng, tổng thể tích lồng đạt  183.166 m3, bình quân mỗi lồng đạt gần 110m3. Sản phẩm chủ yếu nuôi lồng là các loại cá như: cá trắm, cá chép,cá rô phi, cá diêu hồng và cá lăng cho năng suất và giá trị kinh tế cao mở ra hướng phát triển nhiều tiềm năng cho ngành thuỷ sản của tỉnh... Điển hình như huyện Lương Tài là địa phương khai thác rất tốt mặt nước sông Thái Bình để nuôi trồng thủy sản, với diện tích là 1.350 ha, trong đó có hơn 600 lồng nuôi cá, cho sản lượng hàng năm hơn 12 nghìn tấn, chiếm 32% sản lượng của toàn tỉnh. Anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Trung Kênh (huyện Lương Tài) chia sẻ: Hiện gia đình tôi đang duy trì 30 lồng cá với các loại như cá chép, cá điêu hồng, cá trắm cỏ, cá lăng… Bình quân mỗi năm, sau  khi trừ chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, tôi cũng thu về khoảng 700 - 800 triệu đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận, đến nay hoạt động nuôi trồng thủy sản đã chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu giá trị sản xuất của nông nghiệp chung của tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở những địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, hệ thống ao hồ như: Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành… Việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản không chỉ giúp khai thác có hiệu quả các thế mạnh của địa phương, bắt kịp nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn trực tiếp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển đời sống người nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nhất định, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Bắc Ninh vẫn còn một số hạn chế, đó là sản xuất chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên tục, chưa chủ động được thời vụ, năng suất mang lại chưa đạt cao như mong đợi so với tiềm năng của tỉnh. Chất lượng con giống, thức ăn và nguồn nước còn hạn chế; tại một số vị trí, dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm còn cao nên đã ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản... Đây là những điểm mà ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Có thể thấy, với những giải pháp đồng bộ, chính sách hỗ trợ thiết thực, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bắc Ninh đã thực sự có những bước phát triển rõ nét. Để nghề nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng con giống; sẽ lựa chọn các đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp điều kiện môi trường của từng vùng nuôi; nâng cao trình độ kỹ thuật và ý thức bảo vệ môi trường cho người nuôi thuỷ sản và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuỷ sản... Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng dụng quy trình nuôi an toàn, khắc phục hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn… giúp giảm thiểu rủi ro, góp phần ổn định đầu ra, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản thu hoạch trên một đơn vị diện tích./.

Bài, ảnh: Quang Minh