Là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm đầu của cả nước nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thời gian qua một tỷ lệ không nhỏ đất nông nghiệp của Bắc Ninh đã được quy hoạch để phát triển các khu công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông… Tuy nhiên, trên cơ sở chú trọng và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nên sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh vẫn có những bước tiến quan trọng, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản luôn tăng qua các năm. Năm 2018 vừa qua, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 8.861 tỷ đồng; tăng 1,3% kế hoạch năm và tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2017. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt trên 110 triệu đồng, tăng gấp khoảng hơn 6 lần so với năm 1997. Đặc biệt, trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Ninh đã hình thành 263 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, 71 vùng rau màu chuyên canh, 43 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 5.250 ha, tổng sản lượng ước đạt hơn 38.000 tấn...

Nét nổi bật trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bắc Ninh đó là việc ứng dụng công nghệ cao đã được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện đối với tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Điển hình là đối với lĩnh vực trồng trọt, tính đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được 8 vùng sản xuất rau, quả an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 37,65ha; 5 vùng sản xuất lúa an toàn đạt hiệu quả VietGAP với tổng diện tích 110ha; 1 mô hình sản xuất khoai tây giống từ củ nuôi cấy mô, diện tích 0,2ha; 29 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính có tổng diện tích khoảng 20ha. Trong đó, mô hình trồng rau tía tô trong nhà kính tại huyện Lương Tài (Công ty May mặc Hồ Gươm) với tổng diện tích 11,4ha, trong điều kiện thuận lợi có thể cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 95%, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt khoảng 50%, khâu thu hoạch đạt khoảng 70%, khâu gieo, cấy đạt khoảng 10% và đang dần được triển khai mở rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.



Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: KN)

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nông dân Bắc Ninh đã đưa vào sản xuất nhiều giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, các sản phẩm của công nghệ sinh học, sử dụng thức ăn chăn nuôi theo độ tuổi, công nghệ chuồng kín với hệ thống máng ăn, máng uống và điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi tự động, công nghệ xử lý chất thải bằng bể biogas, chế phẩm sinh học, máy ép tách phân,... được áp dụng rộng rãi vào sản xuất chăn nuôi trang trại, sơ chế, chế biến thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, Bắc Ninh đang có 54 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; có 3 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, 5 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống vật nuôi…

Hướng vào khai thác các tiềm năng sẵn có trong lĩnh vực thủy sản, Bắc Ninh cũng đã hình thành được 165 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung (quy mô 10ha trở lên) với tổng diện tích 3.229ha, trong đó diện tích có sử dụng máy quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường là 1.875ha. Năm 2018, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đạt trên 37.200 tấn các loại. Một số địa phương đã bước đầu đưa công nghệ nuôi cá sông trong ao, Biofloc vào sản xuất có hiệu quả; hình thành 22 vùng nuôi cá lồng trên sông với tổng số hơn 1.600 lồng cá, năng suất đạt 4-6 tấn/ lồng; có 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, cho thu nhập khoảng 250 triệu/ha/năm; có 3 cơ sở sản xuất cá giống áp dụng cộng nghệ đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây…

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh, những kết quả trên đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, an ninh lương thực được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao... Mục tiêu của tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 sẽ nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Bài, ảnh: Nguyễn Kỳ Nam