Ngành Ngân hàng đã có có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Bắc Ninh (Ảnh: QC)
Hoạt động huy động vốn trên địa bàn liên tục có sự tăng trưởng, trong đó, nguồn tiền gửi của dân cư tiếp tục chiếm tỷ trọng khá (khoảng 60,6%) và là đầu tàu kéo nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng trưởng (tăng hơn 11% so với cuối năm 2017). Nguồn tiền gửi từ 12 tháng trở lên thường xuyên ổn định trong khoảng hơn 30%/tổng vốn huy động góp phần giúp các Ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn chủ động, đảm bảo đáp ứng tốt các nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 100.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2017.
Đặc biệt, việc triển khai, thực hiện các chương trình tín dụng như: Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch… tiếp tục phát huy hiệu quả đảm bảo cung ứng vốn của các doanh nghiệp và người dân, do vậy tín dụng năm 2018 tăng trưởng ổn định, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2018, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 82.000 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cuối năm 2017.
Đồng thời, các chi nhánh Ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tiếp tục duy trì việc chấp hành nghiêm túc các quy định và chỉ đạo về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Trong những tháng cuối năm, lãi suất huy động của một số ngân hàng tại một số kỳ hạn có điều chỉnh tăng nhẹ tuy nhiên mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được giữ ổn định cho thấy các chi nhánh Ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã và đang tiếp tục chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Được biết, năm 2019, ngành Ngân hàng tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh huy động vốn, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được giao; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 15 - 18% so với năm 2018; tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%./.