leftcenterrightdel
Ảnh minh họa

* Năm Bính Tý 976, mùa Xuân, thuyền buôn nước ngoài đến dâng sản vật và được vua Đinh Tiên Hoàng cho phép vào buôn bán tại nước ta.

* Năm Nhâm Tý 1012, người nước Nam Chiếu đến buôn bán ở bến Kim Hoa, châu Vị Long (Tuyên Quang).

Năm Nhâm Tý 1072, tháng 8,  triều  Lý  tha  thuế  vải  sợi  trắng  của  xứ  Chiêm Thành.

* Năm Mậu Tý 1108, tháng 3, lần đầu tiên đắp đê sông Hồng phòng lụt ở phường Cơ Xá - Thăng Long (khu vực từ Nhật Tân đến Long Biên - Hà Nội).

Năm Giáp Tý 1324, nhà Trần cho bỏ tiền kẽm, dùng tiền đồng.

Năm Mậu Tý 1348, thương thuyền nhiều nước đến buôn bán ở cảng Vân Đồn (Quảng Ninh).

Năm Bính Tý 1396, Hồ Quý Ly tiến hành cải cách tiền tệ. Tháng 5, ban hành “Thông bảo hội sao” - loại tiền giấy đầu tiên ở nước ta. Cứ 1 quan tiền bằng đồng đổi được 1 quan 2 tiền giấy. Về hình thức, tiền giấy 10 đồng trên vẽ hình rong, 30 đồng vẽ sóng, 1 tiền vẽ mây, 2 tiền vẽ rùa, 3 tiền vẽ lân, 5 tiền vẽ phượng và 1 quan vẽ rồng. Cấm lưu hành tiền bằng đồng. Ai làm giả tiền giấy bị tội chết, tịch thu điền sản nộp vào nhà nước.

Năm Mậu Tý 1468, vua Lê Thánh Tông cho đào kênh Sen ở Thuận Hóa và các kênh khác ở vùng Thanh Hóa - Nghệ An.

Năm Mậu Tý 1528, nhà Mạc đúc tiền riêng.

Năm Giáp Tý 1624, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi thư và tặng vật cho Toàn quyền Hà Lan ở Nam Dương (Indonesia) ngỏ lời mời thương thuyền Hà Lan qua lại buôn bán với Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào Nam).

Năm Nhâm Tý 1672, tháng 7, Công ty Đông Ấn của Anh cử William Gyfford và 5 tùy tùng đi chiếc tàu Zant từ Ben Tam (đảo Java - Indonesia) đến Đàng Ngoài dâng tặng phẩm vật và xin vua Lê Gia Tông cho buôn bán. Họ được phép mở cửa hiệu buôn ở Phố Hiến (Hưng Yên) và Kẻ Chợ (Hà Nội).

Năm Mậu Tý 1708, khai khẩn và xây dựng, phát triển Hà Tiên (Kiên Giang) thành vùng kinh tế lớn, giao thương với nhiều nước Đông Nam Á.

Năm Canh Tý 1720, triều đình Lê-Trịnh ra lệnh phải có giấy phép mới cho xuất khẩu đồng và quế để hạn chế buôn lậu hai mặt hàng này với nước ngoài.

Năm Nhâm Tý 1732, bãi bỏ thuế thổ đặc sản.

Năm Giáp Tý 1804, nhà Nguyễn cho đóng cửa cảng Đà Nẵng, không buôn bán với nước ngoài. Tháng 2, bãi bỏ thuế đúc tiền ở miền Bắc.

* Năm Bính Tý 1816, triều Nguyễn hủy tiền Tây Sơn, phát hành tiền “Gia Long thông bảo” thay thế.

Năm Mậu Tý 1828, cấm xuất khẩu gạo. Tháng 4, cử Nguyễn Công Trứ làm Doanh điền sứ, đảm trách công cuộc khai hoang, lấn biển ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Tháng 6, cấm tàng trữ kẽm, cấm đúc trộm tiền (nếu vi phạm sẽ bị xử chém).

Năm Canh Tý 1840, tháng 1, định điều lệ thưởng phạt về khai khẩn ruộng đất hoang ở miền Nam; định kỳ hạn cầm đợ ruộng đất, nhà ở trong dân; định rõ thêm điều lệ trong việc kiểm tra thuyền buôn nước Thanh (Trung Quốc); triều đình cho mở lại các mỏ vàng ở Tuyên Quang, Lạng Sơn và lần đầu tiên khai thác mỏ than ở vùng núi An Lãng (Đông Triều - Quảng Ninh). Tháng 5, để dân tiện tiêu dùng, Nhà nước cho phép được lưu hành song song với tiền của nhà Nguyễn các loại tiền cổ của các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… trước đó (trừ tiền của nhà Tây Sơn). Tháng 6, phát giống dê đuôi to cho các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Gia Định, Hà Nội nuôi để phát triển đàn dê. Tháng 7, thay đổi lệ cấp ruộng đất theo khẩu phần  trong  toàn  quốc.  Tháng  9,  thuyền  buôn  nước  Anh  đến  vùng  Trà  Sơn  (Quảng Nam).

Năm Nhâm Tý 1852, tháng 2, đưa dân đi khai hoang lập ấp vùng An Giang, ai khai khẩn được bao nhiêu ruộng đất thì cho giữ đó làm tài sản cá nhân.

Năm Bính Tý 1876, Ngân hàng Đông Dương cho nông dân vay tiền để sản xuất. Cũng năm này, các kỹ sư Pháp tiến hành khảo sát những mỏ than ở Quảng Ninh.

Năm Mậu Tý 1888, ngày 22 tháng 3, hoàn thành đường dây điện báo Sài Gòn-Hà Nội qua Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh. Ngày 4 tháng 4, thành lập Công ty Than Bắc Kỳ thuộc Pháp. Cũng năm này, chính quyền tăng thuế chợ, thuế đò; ra sắc lệnh về thuế mỏ.

Năm Canh Tý 1900, thành lập Công ty Bông Bắc Kỳ và Công ty Điện - Nước Đông Dương. Cũng năm này, Toàn quyền Đông Dương ra sắc lệnh khai thác các nguồn nước khoáng.

Năm Nhâm Tý 1912, thành lập Công ty vô danh cất rượu Trung Kỳ, Công ty Thuộc da và Công ty Pháp-Đông Dương về các sản phẩm xay xát. Cũng năm này, thực hiện chương trình củng cố đê điều ở Bắc Kỳ và ra các sắc lệnh về thuế mỏ, thuế môn bài đối với thương nhân hành nghề kim hoàn.

Năm Giáp Tý 1924, thành lập Công ty Than Yên Lập và Hạ Long, Công ty Phốt phát Bắc Kỳ, Công ty sản xuất Các sản phẩm thực phẩm, Công ty vô danh Hồi, Công ty Cao su Cầu Khôi.

Năm Bính Tý 1936, ngày 1 tháng 10, hoàn thành xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt và Đông Dương. Ngày 12 tháng 11, hơn 1 vạn công nhân mỏ Cẩm Phả mở đầu cho cuộc bãi công của toàn vùng mỏ và ngày này sau được chọn làm ngày truyền thống của công nhân mỏ.

Năm Mậu Tý 1948, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành công trái kháng chiến đồng thời hủy bỏ việc lưu hành tiền kim loại bằng đồng từ thời phong kiến và tiền giấy của Ngân hàng Đông Dương (Pháp).

Năm Canh Tý 1960, tháng 9, toàn bộ số công ty tư bản tư doanh ở miền Bắc được cải tạo xong, chuyển thành công tư hợp doanh. Cũng năm này, khởi công xây dựng khu gang thép Thái Nguyên và khánh thành các nhà máy: Nhựa Thiếu niên tiền phong, Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Xà phòng Hà Nội, Sắt tráng men Hải Phòng; phong trào hợp tác hóa nông nghiệp  và  thủ  công  nghiệp  bậc  thấp  căn  bản  hoàn thành.

Năm Giáp Tý 1984, ban hành Nghị định 156/HĐBT về Cải tiến quản lý đối với công nghiệp quốc doanh và Nghị định 162/HĐBT về Tổ chức hoạt động liên kết kinh tế nhằm thực hiện đối với kế hoạch hóa theo hướng mở rộng quyền chủ động sản xuất cho các cơ sở.

Năm Bính Tý 1996, ngày 8 tháng 2, khánh thành tuyến cáp quang biển Thái Lan-Việt Nam-Hồng Kông dài 3367 km có dung lượng 560 MB/giây tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 2 tháng 3, thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ngày 3 tháng 4, Chủ tịch nước ký lệnh công bố Luật Ngân sách nhà nước, Luật Hợp tác xã và Luật Khoáng sản. Ngày 15 tháng 10, Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

* Năm Mậu Tý 2008, từ ngày 16 tháng 9, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được quyền tự quyết định giá bán lẻ. Thị trường chứng khoán Việt Nam suy thoái mạnh sau hơn 8 năm đi vào hoạt động và chỉ số chứng khoán giảm gần 70%. Lạm phát chạm mức cao nhất 20%; lãi suất ngân hàng cũng theo đó đạt mức cao nhất 25%. Thị trường bất động sản đóng băng. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng kỷ lục, gấp 3 lần năm 2007 và đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực. Thiên tai gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế (làm mất hơn 13.300 tỷ đồng, chủ yếu là từ đợt mưa lụt kỷ lục đầu tháng 11 ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc).

Sơn Hà