Nằm ở phía nam của tỉnh Bắc Ninh, Lương Tài vốn là huyện có có xuất phát điểm về kinh tế thấp, tỷ trọng nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, dịch vụ thương mại chậm phát triển; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đồng bộ; trình độ tay nghề cũng như hiệu suất lao động của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp chưa cao… Bám sát những đặc điểm đó, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Huyện ủy, UBND huyện Lương Tài đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm giao thông, điện, thông tin liên lạc, nước sinh hoạt cho những dự án mở rộng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả. Huyện cũng chủ động ban hành quy định, cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư; quan tâm công tác đào tạo, dạy nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng của các doanh nghiệp; chú trọng khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề phụ nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động… Những giải pháp có tính đồng bộ nói đó đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Lương Tài phát triển hiệu quả.
Từ xưa, làng Quảng Bố (xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) đã nổi tiếng khắp cả nước với những sản phẩm cơ khí chi tiết được đúc từ đồng. Hiện nay, nghề đúc đồng truyền thống của làng Quảng Bố đã phát triển cả về số lượng và chất lượng với hàng trăm công ty thuộc đủ các quy mô lớn nhỏ, chưa kể đến hợp tác xã và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Làng Quảng Bố có 50 hộ gia đình với hơn 4000 nhân khẩu thì 80% trong số đó là làm nghề sản xuất cơ khí từ đồng, kim loại và thậm chí là cả từ nhựa. Do là làng nghề sản xuất các sản phẩm là chi tiết máy móc, sử dụng trong các ngành cơ khí, chế tạo nên hầu hết các hộ sản xuất kinh doanh trong làng đều sản xuất mặt hàng chuyên biệt khác nhau. Tiêu biểu là một số công ty, doanh nghiệp lớn như: Công ty Ninh Nam, Công ty Long Hải, cơ sở đúc đồng Tiến Hoà, Mạnh Quyết, Quế Luyện, Nam Phong… Năm 2017, giá trị sản xuất trong ngành công nghiêp và tiểu thủ công nghiệp của làng nghề Quảng Bố đạt trên 150 tỷ đồng.
Nghề đúc đồng truyền thống ở làng Quảng Bố, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (Ảnh: QM)
Tìm hiểu được biết, làng nghề Quảng Bố chỉ là một trong số hàng chục điểm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Lương Tài hiện nay. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện Lương Tài hiện có 3 cụm công nghiệp, trong đó 2 cụm công nghiệp Lâm Bình và Táo Đôi đang thu hút một số doanh nghiệp đầu tư và đi vào sản xuất trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, gia công hàng dệt may… Các doanh nghiệp này đã tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động. Cùng với đó, nhiều làng nghề, ngành nghề phụ cũng phát triển mạnh góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện. Điển hình như các nghề gia công đồ cơ khí, đồ gỗ mỹ nghệ ở Quảng Phú; làm mỳ ở Tử Nê; thêu ren nghệ thuật ở Phú Hòa, Trừng Xá; vận tải thủy ở Trung Kênh…
Theo thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Lương Tài đã tăng từ 1.734 tỷ đồng (năm 2015) lên tên 2.200 tỷ đồng (năm 2017); năm 2018 ước đạt khoảng 2.555 tỷ đồng. Đặc biệt, cùng với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động thương mại dịch vụ phát triển đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân. Mạng lưới chợ nông thôn được quy hoạch và xây dựng mở rộng theo tiêu chí nông thôn mới. Nhiều cơ sở kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô… Năm 2015, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 1.128 tỷ đồng, đến năm 2018 ước tăng lên 1.716 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với các huyện, thành phố khác ở Bắc Ninh, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ của huyện Lương tài nhìn chung còn khá “khiêm tốn”, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do điều kiện vị trí địa lý không thuận lợi, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, công nghệ sản xuất chưa được đầu tư theo hướng hiện đại… Điều nay đã hạn chế đến kết quả phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ của Lương Tài.
Được biết, mục tiêu của Lương Tài là đến năm 2020, nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thu công nghiệp toàn huyện lên khoảng 4.258,7 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 2.352,4 tỷ đồng. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, thời gian tới, Lương Tài sẽ tập trung khai thác các thế mạnh về đất đai, nguồn lao động dồi dào, hệ thống giao thông phát triển…
Theo đó, Huyện ủy, UBND huyện Lương Tài sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh các giải pháp nâng tầm phát triển công nghiệp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng cho các doanh nghiệp. Trên cơ sở các cụm công nghiệp đã được phê duyệt, huyện sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các ngành của tỉnh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp sớm đầu tư, lấp đầy các cụm công nghiệp. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu nông sản tập trung; công nghiệp cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; phát triển ngành nghề truyền thống...
Thực tế thời gian qua cho thấy, tăng cường thu hút đầu tư, tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với mở rộng hệ thống thương mại, dịch vụ đang là hướng đi hiệu quả góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách và nâng cấp hạ tầng giao thông… Đây đồng thời cũng là giải pháp có tính then chốt giúp tạo nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả, bền vững ở huyện Lương Tài./.