Chị Lương Thị Kim Ngọc kiểm tra những bịch phôi nấm (Ảnh: Song Giang)
Tốt nghiệp khoa công nghệ sinh học - Viện đại học Mở Hà Nội, chị Ngọc có nhiều cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước, nhưng cô gái này đã từ chối tất cả, quyết tâm về quê lập nghiệp. Năm 2015, nhận thấy lượng rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch là rất lớn, đây chính là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất nấm ở địa phương. Chị Lương Thị Kim Ngọc và chồng quyết định về quê đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nấm sò. Từ số vốn 100 triệu đồng có sẵn, hai vợ chồng chị đã mạnh dạn vay thêm 300 triệu đồng của ngân hàng để xây dựng khu nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị và thuê lại đất chuyển đổi nông nghiệp của thôn để sản xuất nấm. Cụ thể, chị Ngọc cho xây khu nhà xưởng sơ chế nguyên liệu rộng 200m2, nhà nuôi trồng rộng 150m2 được lắp đặt hệ thống tự động, máy tưới phun bán tự động thuận tiện cho việc điều chỉnh độ ẩm, hệ thống ánh sáng nhân tạo bằng bóng đèn tiết kiệm điện, điều khiển nhiệt độ, giàn giá nuôi trồng hiện đại...
Mặc dù đã có kiến thức cơ bản nhưng khi bước vào sản xuất thực tế, chị Ngọc đã gặp phải không ít khó khăn và thất bại ngay lần đầu tiên khi nhiều bịch nấm bị mốc, hỏng. Không nản chí, chị quyết tâm tìm hiểu kinh nghiệm của những người đi trước, kiến thức trên mạng và mày mò thực hành. Kiên trì theo dõi, thay đổi quy trình sản xuất, những mẻ nấm tiếp theo thành công như mong đợi. Theo chị Lương Thị Kim Ngọc đánh giá: “Nấm sò là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc, tuy nhiên nấm dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công nên cần sự chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ. Để tạo môi trường tốt cần cung cấp đủ nước, độ ẩm và thu hái, bảo quản đúng kỹ thuật. Gia đình luôn chú ý đến việc trồng nấm theo hướng an toàn: Tưới nước sạch, thường xuyên vệ sinh trại bằng vôi bột”.
Một điểm đặc biệt là tại trang trại của vợ chồng chị Ngọc, nguyên liệu dùng để trồng nấm rơm hiện đang được tận dụng từ phế phẩm là bông vải. Theo chia sẻ của chị Ngọc, sau thời gian đầu sử dụng rơm rạ, vợ chồng chị dần chuyển sang trồng nấm rơm trên bông vải. Việc thay đổi này không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà việc làm này còn giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Thực tế sản xuất tại trang trại trồng nấm của chị Ngọc cho thấy, chi phí để tạo ra 1kg nấm thành phẩm mất khoảng 16.000 đồng, nhưng thu về gấp 4 - 6 lần. Với giá thị trường trung bình khoảng 100.000 đồng/kg nấm rơm, vào mùa cao điểm có thể lên đến 180.000 đồng/kg. Nấm sò giá rẻ hơn, từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, trang trại của vợ chồng chị cũng có lãi hàng chục triệu đồng/tháng. Sau khi thu hoạch xong nấm, toàn bộ phụ phẩm được chị Ngọc sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng trong trang trại.
Được biết, hiện nay, trang trại của chị có quy mô hơn 4.000m2 trong đó có khoảng 400 m2 nhà xưởng, nhà kho và nhà nuôi trồng nấm, phần đất còn lại trồng cây ăn quả. Ngoài sản xuất nấm sò với quy mô hơn 10.000 bịch nấm mỗi năm, anh chị còn thử nghiệm thêm nấm rơm, linh chi, mộc nhĩ… Hàng năm, sau khi trừ chi phí, việc phát triển trồng nấm đã giúp gia đình chị Lương Thị Kim Ngọc thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng/năm. “Nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nấm sạch hiện còn rất lớn, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng quy mô nhà xưởng và tăng diện tích nuôi trồng nấm”, chị Ngọc chia sẻ thêm./.