Mảng nuôi trồng thủy sản, là một lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng CNC ở Bắc Ninh. Trong đó, sản xuất cá giống đã ứng dụng phương pháp đẻ vuốt, ấp trứng bằng bình vây, sản xuất cá chép giống, sử dụng hóc-môn sản xuất giống rô phi đơn tính. Nuôi cá thâm canh, sử dụng quạt nước, thức ăn công nghiệp, chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi, đem lại hiệu quả cao. Là một điển hình về ứng dụng CNC, HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh được thành lập vào đầu năm 2017 tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) với 10 hộ thành viên để khởi động thực hiện chứng nhận VietGAP. Cuối năm 2017, HTX đã được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP. Được biết, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có những chính sách hỗ trợ cho những trường hợp là các cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung đạt chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc tương đương như sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP theo Quyết định 46/2016/QĐ-UBND. Đến nay, HTX có 85 lồng nuôi chủ yếu là các loại cá đặc sản như cá lăng chấm, cá chép giòn, cá điêu hồng… với sản lượng đạt 500 - 600 tấn/năm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, nhờ liên kết thành HTX đứng ra làm đầu mối mua trực tiếp thức ăn chăn nuôi, các hộ tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ứng dụng CNC vào nuôi trồng thủy sản đang mang lại nhiều hiệu quả cho nông dân Bắc Ninh (Ảnh: QM)

Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh, hiện đã có 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha/năm, được chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, Bắc Ninh đang xây dựng mô hình nuôi cá, ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, dự kiến năng suất đạt 20-30 tấn/ha; áp dụng công nghệ sinh học Biofloc (cân bằng nitơ, các-bocôn nn) nuôi cá rô phi trong ao đất lót bạt…

Đối với lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, việc ứng dụng CNC cũng đã được chú trọng triển khai theo hướng hiệu quả, thiết thực. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện đã có 41 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ thông minh, với tổng diện tích 177,6ha, chủ yếu trồng lúa, rau an toàn và hoa, cây cảnh. Trong đó, diện tích nhà lưới 5,2ha, nhà kính 10,2ha (rau, hoa cao cấp); 110ha lúa của 5 cơ sở sản xuất đã được cấp chứng nhận VietGAP; 41,5ha  của 7 cơ sở sản xuất rau được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 26,6ha của 8 cơ sở được cấp chứng chỉ VietGAP. Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới như: Chuồng kín có hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn, nước uống tự động; Công nghệ chọn lọc gen gà Hồ để bảo tồn, chọn giống; Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà; Sử dụng các enzyme, chế phẩm sinh học probiotic trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Công nghệ Elisa, PCR trong chẩn đoán bệnh động vật... Đặc biệt, đã có 50 trang trại áp dụng công nghệ chuồng kín, 2 cơ sở tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất là Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco và Công ty Delco. 5 cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống.

Sản xuất tía tô xuất khẩu tại Công ty Dabaco (xã Lạc Vệ, Tiên Du, Bắc Ninh). Ảnh: Q.M

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đánh giá, hiện nay ngành nông nghiệp của tỉnh đang nỗ lực tận dụng cơ hội đem lại từ cuộc cánh mạng 4.0, dần khắc phục các khó khăn, thách thức. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã đề ra một số giải pháp quan trọng để tiến hành đồng bộ tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng CNC nói riêng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Được biết, để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNC vào phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất. Chú trọng tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng chuyên canh, tập trung.  Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh, nhất là xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý, nhất là nông dân, giúp họ tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tích cực tuyên truyền mọi tầng lớp nhân dân có thói quen sử dụng hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tại các địa phương trong toàn tỉnh./.

Bài, ảnh: QM