(ĐCSVN) - Trước các diễn biến bất thường của thời tiết, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, vật chất do các hiện tượng thiên tai gây lên…



Diễn tập PCTT&TKCN tại xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Xuân Thủy)

Với việc xác định công tác PCTT&TKCN là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị, hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đều có nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo toàn diện các nội dung này; đồng thời phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo trực tiếp các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi người dân thực hiện nghiêm túc công tác PCTT&TKCN. Cùng với đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch PCTT&TKCN tới các cấp, các ngành; kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN bảo đảm sát với thực tế từng địa phương.

Tìm hiểu được biết, nhằm chủ động đối phó với những hiện tượng thiên tai bất thường có thể xảy ra, các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức, triển khai thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Cụ thể, cùng với việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tổ chức, cá nhân về các loại hình thiên tai; kinh nghiệm, kiến thức phòng tránh, ứng phó…, các cấp, các ngành, các địa phương đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc đối với công tác PCTT&TKCN. Trên cơ sở đó giúp các tổ chức, cá nhân và người dân xây dựng ý thức chủ động; từng bước thích ứng với tình hình thực tiễn; triển khai có hiệu quả các biện pháp PCTT&TKCN, kịp thời khắc phục sự cố khi xảy ra.

Theo thống kê, hiện nay hệ thống đê của tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài trên 195,3 km với 105 cống và 45 kè hộ bờ, chống sóng. Trong đó, tuyến đê cấp I, II, III bao gồm tuyến tả, hữu sông Đuống; tuyến hữu Thái Bình, tuyến hữu Cầu và tuyến hữu Cà Lồ với trên 139,1 km đê, 58 cống qua đê và 31 kè (chủ yếu thuộc tuyến sông Đuống và sông Cầu). Những năm gần đây, hệ thống đê ở Bắc Ninh đã được quan tâm đầu tư tu bổ hoàn thiện về cao trình, mặt cắt, cải tạo nâng cấp và cứng hóa mặt đe, gia cố hoàn chỉnh và kéo dài các kè xung yếu, tăng khả năng chống lũ. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chủ động, hàng năm các cơ quan chức năng, trực tiếp là Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã thường xuyên kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng các công trình đê điều, hồ đập, các cống dưới đê, các công trình phòng chống thiên tai để phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các vị trí xung yếu, sạt lở; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình PCTT… Việc xử lý vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Công trình thủy lợi cũng được lực lượng chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm túc. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Bắc Ninh đã xử lý 210 trường hợp vi phạm Luật Đê điều, 188 trường hợp vi phạm hành lang công trình thủy lợi.


Đồng chí Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Ninh trao đổi với phóng viên (Ảnh: QĐ)

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Ninh cho biết, trong công tác PCTT&TKCN, hàng năm Sở đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Song song với việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã thường xuyên chuẩn bị tốt về vật tư, phương tiện để bảo đảm cho công tác PCTT&TKCN. Theo đó, ngay trước mùa mưa lũ, bình quân mỗi km đê, mỗi cống dưới đê đã được tập kết khoảng 200 - 300 m3 đất dự phòng để ứng cứu, xử lý giờ đầu khi có sự cố xảy ra. Các huyện, thị xã, thành phố không chỉ nắm chắc số lượng các loại phương tiện trên địa bàn mà còn giao nhiệm vụ cho các xã, phường, thị trấn chuẩn bị một số loại phương tiện thông dụng như thuyền, máy xúc, ô tôt tải, máy phát điện… để bảo đảm hoạt động TKCN tại chỗ.

Đặc biệt, để công tác PCTT&TKCN được thực hiện có hiệu quả, hoạt động diễn tập xử lý các tình huống đã được Bắc Ninh triển khai có nề nếp. Hàng năm, tỉnh đều lựa chọn một đơn vị cấp huyện thực hành diễn tập điểm để các huyện, thị xã, thành phố tham quan, học tập, rút kinh nghiệm. Các huyện, thành phố còn lại sau đó sẽ xây dựng kế hoạch và tiến hành diễn tập cấp xã. Qua đánh giá, các nội dung tình huống sự cố đưa ra trong diễn tập PCTT&TKCN cơ bản bám sát với tình hình thực tế của địa phương. Trong phần thực binh xử lý tình huống, đã có nhiều sáng kiến, cách thức xử lý rất phù hợp với tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai. Vì vậy, thông qua diễn tập, đã tạo được sự chủ động trong theo dõi và thực hành công tác PCTT&TKCN cho các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những điểm đã làm được là cơ bản, trong thực hiện công tác PCTT&TKCN ở Bắc Ninh vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là việc số ít địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức kỹ năng đối phó với thiên tai cho nhân dân; việc tuần tra, canh gác ở một số địa phương còn chủ quan khi mực nước sông ở mức báo động thấp; còn có tư tưởng trông chờ vào lực lượng bộ đội chủ lực trong chuẩn bị vật chất PCTT&TKCN…

Trước những dự báo về các diễn biến phức tạp, bất thường của tình hình thời tiết, để nâng cao chất lượng công tác PCTT&TKCN, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2018, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng đối với công tác PCTT&TKCN; tập trung tu bổ sửa chữa đê, kè, cống, công trình phục vụ tiêu úng; xây dựng phương án chống úng đối phó với mưa lớn bất thường có thể xảy ra. Đồng thời, tăng cường chuẩn bị các điều kiện cần thiết với phương châm “4 tại chỗ” để bảo đảm thực sự chủ động, giảm thiểu những hậu quả do thiên tai có thể gây ra./.

TL