Mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP của người dân xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Nguồn: baobacninh.com.vn)Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp với các địa phương tiến hành xẩy dựng và triển khai mở rộng mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP.
Mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP là xu hướng nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường, thay đổi nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi an toàn theo quy chuẩn cũng như bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch các vùng nuôi thâm canh tập trung, hướng đến phát triển sản xuất giống tại chỗ và đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật đến nông dân.
Theo thống kê, đến tháng 6/2018, diện tích nuôi trồng thủy sản là 5.242 ha, giảm 0,1% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản ước đạt 18.401 tấn, tăng 1% so cùng kỳ, trong đó, sản lượng nuôi trồng thu hoạch đạt 17.865 tấn, tăng 1,2%; sản lượng lồng bè đạt 2.052 tấn, tăng 4,4%.
Quá trình áp dụng VietGap, cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng được 4 tiêu chí cơ bản là bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Mặc dù việc áp dụng VietGap đang gặp nhiều khó khăn nhưng đây vẫn là hướng phát triển tất yếu của ngành nuôi trồng thủy sản. Lợi ích mà VietGap mang lại là giúp người nuôi quản lý cơ sở nuôi một cách khoa học, tạo ra được sản phẩm sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chứng minh được chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ có được thực phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thông qua mã số chứng nhận và có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm./.