Thu hoạch cá tại HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh)Theo đó, với sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm qua, khu vực kinh tế hợp tác và HTX của tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều bước chuyển tích cực cả về số lượng và chất lượng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 594 mô hình HTX; trong đó có 479 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, 55 HTX xây dựng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 18 HTX giao thông vận tải… Quá trình hoạt động, cơ bản các HTX kiểu mới đã khắc phục được nhiều tồn tại của HTX kiểu cũ từ khâu tổ chức, quản lý, hoạt động; phát huy tốt nguồn lực đất đai, sức lao động, ứng dụng khoa học công nghệ… giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Đặc biệt, hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và doanh nghiệp được mở rộng, xây dựng được nhiều chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó, đóng góp quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động HTX thực hiện theo Luật được triển khai sâu rộng; khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức khởi nghiệp theo mô hình HTX…
Mục tiêu của Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh là sẽ đưa số lượng HTX toàn tỉnh lên 700 - 750 mô hình và 300 tổ hợp tác vào năm 2023. Theo đó, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ tạo vốn cho HTX phát triển; khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của tỉnh về nông nghiệp, dịch vụ, tích cực liên kết giữa các thành viên, các HTX với nhau để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm; thực hiện tốt chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; hàng năm tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại; không ngừng nâng cao thu nhập bình quân của các thành viên, lao động trong HTX; mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị HTX, từ đó đóng góp nhiều hơn vào chỉ số GRDP của tỉnh./.