Việc tu bổ, tôn tạo di tích cần đảm bảo đúng quy định, giữ được các giá trị truyền thống. (Ảnh: NQ)

Đình Đại Thượng được xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 09/1999/QĐ-BVHTT ngày 12/02/1999 của Bộ Văn hóa và Thông tin; được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng với nhiều công trình: Nghi môn, Tiền tế, Đại đình, Hậu Cung, hai bên là nhà Giải vũ. Năm 1952, đình bị tàn phá chỉ còn lại Hậu cung. Năm 1992, nhân dân địa phương đóng góp tiền, công sức xây dựng đình trên khuôn viên đất rộng 2.177,8m2. Tòa Đại đình có kích thước 19,5m x 9,85m và Hậu cung có kích thước 8,2m x 6,4m.

Cùng với thời gian, hiện nay, di tích đình Đại Thượng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, Tòa Đại đình, tường xây nứt vỡ, bong tróc, rêu mốc; Nền lát gạch đỏ bị lún nứt, ẩm thấp; Hệ thống cột, khung vì mái, xà, hoành, rui làm bằng gỗ xoan cong, nứt, mục nhiều không còn giá trị sử dụng; Mái lợp ngói mũi hài bị xô vỡ nhiều; Bờ mái, bờ chảy đã nứt, rêu mốc, một số họa tiết hoa văn bị bong vỡ. Hậu cung: Mái ngói xô lệch, thấm dột; Bờ mái bị nứt, rêu mốc, các hoa văn họa tiết bị bong, lật; Tường xây nứt vỡ, bong tróc, ẩm thấp; Nền gạch bị lún nứt, ẩm thấp.

Nhằm khắc phục triệt để sự xuống cấp của di tích đồng thời đảm bảo không gian sinh hoạt văn hóa tôn nghiêm, an toàn cho nhân dân địa phương và du khách thập phương tham quan, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Bộ VHTTDL phương án tu bổ toàn diện đối với tòa Đại đình và tòa Hậu cung.

Theo báo cáo Kinh tế kỹ thuật Dự án tu bổ, tôn tạo đình Đại Thượng của UBND tỉnh Bắc Ninh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, Dự án sẽ được triển khai thực hiện trong hai năm 2019 - 2020 dựa trên nguyên tắc: Tu bổ, tôn tạo di tích đảm bảo đúng quy định, phù hợp với thực tiễn địa phương và không gian cảnh quan của di tích; Quá trình tu bổ tôn tạo có sự tham gia ý kiến của người dân, các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn di tích./.

Như Quỳnh