Bắc Ninh lên phương án bảo đảm nguồn lực tài chính phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: QM

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, cùng với cả nước nói chung, tỉnh Bắc Ninh cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định trong việc thành công phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Xác định, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường; với tình thần “Chống dịch như chống giặc”, tại Kỳ họp Thứ 17 (bất thường) được tổ chức ngày 07/4, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước năm 2020, để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, theo kịch bản từ cấp độ 1 đến cấp độ 5, với tổng kinh phí cả 5 cấp độ là: 1.406 tỷ đồng. Gồm: Cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị y tế: 610 tỷ đồng; thuốc, vật tư tiêu hao, khẩu trang, trang phục bảo hộ, hóa chất, tuyên truyền hơn 405 tỷ đồng; phân bổ kinh phí cho Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện mua 700.000 khẩu trang, cấp phát cho học sinh: 2,55 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn và phụ cấp phòng, chống dịch cho các đối tượng 224 tỷ đồng; phụ cấp cộng tác viên, tình nguyện viên 164 tỷ đồng.

Cụ thể, nguồn kinh phí được xác định như sau: Dự phòng ngân sách địa phương năm 2020 với 470 tỷ đồng; thu hồi dự toán chi thường xuyên của các nhiệm vụ chưa phân bổ chi tiết đến đơn vị sử dụng ngân sách 390 tỷ đồng; kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản chưa phân bổ 125 tỷ đồng; quỹ dự trữ tài chính của tỉnh 45 tỷ đồng; nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương 245 tỷ đồng và đề nghị Trung ương cho sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường 131 tỷ đồng.

Về công tác điều hành chi ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết HĐND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ: Giao UBND tỉnh căn cứ diễn biến thực tế và chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống chống dịch COVID-19 tổ chức điều hành cho phù hợp; tạm dừng không ban hành, không phê duyệt các đề án, nhiệm vụ làm tăng chi ngân sách từ nay đến hết năm 2020. Trường hợp dịch có diễn biến phức tạp, cần tập trung thêm nguồn lực thì áp dụng các biện pháp tiết kiệm 5% chi thường xuyên còn lại (không bao gồm các khoản lương và có tính chất lương) của 8 tháng cuối năm 2020, đối với các đơn vị sử dụng ngân sách; cắt giảm, giãn hoãn một số nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, cấp bách như: Mua sắm, sửa chữa lớn, các đề án, đề tài đã giao cho các đơn vị, nhưng chưa thực hiện.

Đối với kinh phí thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, để có thu nhập nhằm bảo đảm đời sống ở mức tối thiểu, theo quy định của Trung ương, sẽ sử dụng từ nguồn bổ sung có mục tiêu và nguồn cải cách tiền lương của tỉnh./.

Quang Minh