Chúng tôi đến thăm ông nhân dịp kỉ niệm 70 năm thành lập Đội thiếu niên du kích Đình Bảng. Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, nếp thời gian chằng chịt trên gương mặt người cựu chiến binh nhưng kí ức về những tháng năm cả dân tộc anh dũng, gan cường chiến đấu đuổi Pháp, chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc vẫn vẹn nguyên cảm xúc.

Hơn 10 tuổi, chàng thiếu niên Nguyễn Khắc Quảng tham gia Đội thiếu niên du kích Đình Bảng vì thấy tức, thấy ghét bọn Tây đến phá làng, ức hiếp bà con, trộm gà trộm vịt của dân... Hàng ngày, vừa chăn trâu cắt cỏ, làm ruộng vừa gom nhặt lựu đạn rơi vãi của địch sau đó cất giấu ở nơi bí mật, chờ lúc thuận lợi thì mang nộp cho du kích. Ông Quảng nhớ lại: “Có lần đi phát cỏ ruộng, nhìn thấy sợi dây lủng lẳng trước mặt, sẵn con dao phát cỏ trong tay, tôi liền chặt đứt, quấn lại cho vào khau tát nước rồi phủ cỏ lên sau mang về mới biết đó là dây điện thoại. Khi địch rút khỏi xóm Tỉnh Cầu, tổ chúng tôi được giao nhiệm vụ đi gom đạn, lúc đốt giẻ lau sơ ý làm đạn nổ và bị phát hiện, chúng bắt được 6 đội viên đưa ra nhốt ở bể Phù Lưu, tôi may mắn chạy thoát. Bị tra tấn, đánh đập nhưng cả 6 đội viên quyết không khai báo cuối cùng sau 10 ngày cả 6 đội viên đều được thả về...” Ông Quảng cùng các đội viên của Đội thiếu niên du kích Đình Bảng đã lập nhiều công lớn, đóng góp ý nghĩa cho thắng lợi chung của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.


Ông Nguyễn Khắc Quảng (quân phục trắng, ngồi giữa) trong chương trình giao lưu tọa đàm với nhân chứng lịch sử tại Lễ kỉ niệm 70 năm thành lập Đội thiếu niên du kích Đình Bảng.

Tháng 3-1959, cựu đội viên du kích Nguyễn Khắc Quảng nhập ngũ và đi học Hạ sĩ quan sau khi kết thúc thời gian huấn luyện. Công tác một thời gian ngắn, chàng lính trẻ lại được đơn vị cử đi học, trở thành học viên khóa 4 (1961-1964) của Trường Sĩ quan Pháo binh. Tốt nghiệp loại Giỏi, Thiếu úy Nguyễn Khắc Quảng lên Tây Bắc tham gia Trung đoàn 174, Sư 316 và sang Lào chiến đấu từ 1964-1966. Năm 1967, ông Quảng theo đơn vị vào chiến đấu ở chiến trường B3 Tây Nguyên. Là sư đoàn chủ lực nên đơn vị của ông Quảng luôn được giao nhiệm vụ chủ công trong những trận đánh, những chiến dịch có ý nghĩa then chốt, lịch sử.

Nhớ lại trận đánh thí điểm cho chiến thuật của Bộ ở chiến dịch Đắk Tô-Tân Cảnh năm 1967, khi đó ông Quảng là Chủ nhiệm Binh đoàn pháo binh công trường 18, nông trường 10 đã cùng đồng đội chiến đấu tiêu diệt Lữ đoàn dù 173 của Mỹ. Phụ trách chốt trọng điểm 875 trên đồi Bãi Le, suốt 4 ngày đêm ròng rã trong mịt mù pháo bom, ông Quảng cùng đồng đội nã pháo bắn rơi gần 50 chiếc trực thăng của Mỹ, lính nhảy dù bò lổm ngổm như cua, địch thua đẫm máu. Chiến dịch Đắk Tô giành thắng lợi giòn giã, ông Quảng được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” lần đầu tiên.

Từ 1968 đến 1973, dũng sĩ Nguyễn Khắc Quảng cùng đồng đội trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn trên chiến trường Tây Nguyên rồi tiếp tục hành quân vào mặt trận miền Đông Nam bộ, sang Campuchia. Bị thương trong một trận đánh ác liệt ở Campuchia, ông Quảng được đưa ra Bắc an dưỡng ở Hà Nam đúng dịp Tết Nguyên Đán năm 1974. Trong những tháng ngày mưa bom bão đạn, trực tiếp lăn lộn chiến đấu khắp các mặt trận, ông Quảng còn thêm hai lần được phong danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”. Khi đất nước giải phóng, hai miền Bắc Nam thống nhất, ông Quảng được phân công công tác tại huyện đội Tiên Sơn, sau đó làm Chủ nhiệm pháo binh tỉnh đội Hà Bắc và nghỉ hưu năm 1984.

Về hưu đúng giai đoạn cả nước khó khăn thời bao cấp thiếu thốn, không có ruộng canh tác, lại trong hoàn cảnh mẹ già, con thơ, người cựu chiến binh từng kéo pháo khắp các trận địa đánh giặc, lập nhiều chiến công hiển hách lại tiếp tục ngày đêm lam lũ xoay sở đủ nghề: Thu mua phế liệu, nấu rượu nuôi lợn, sửa xe, bán hàng nước… kiếm tiền nuôi con ăn học thành đạt. Vất vả, truân chuyên nhưng người lính già vẫn yêu đời, yêu thơ. Ông sáng tác hàng trăm bài thơ và xuất bản tập thơ “Vang mãi khúc quân hành”. Những vần thơ mộc mạc, dung dị mà hào hùng, kể chuyện chiến đấu, chuyện cuộc đời...

Như bao lão nông khác ở mỗi làng quê, cuộc sống hôm nay của người lính pháo binh, Dũng sĩ diệt Mỹ-Nguyễn Khắc Quảng vẫn bình dị, hòa đồng, thầm lặng giữa những hối hả, tất bật thường ngày. Bước vào tuổi thượng thọ, là một lão thành cách mạng, trên ngực áo đeo nặng trĩu huân chương, huy chương cùng nhiều danh hiệu vẻ vang cao quý nhưng ông vẫn cần mẫn chăm lo gia đình và cùng đồng đội, các cựu đội viên du kích Đình Bảng tiếp tục thắp lửa truyền thống, tô thắm thêm phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, trở thành tấm gương sáng cho lớp con cháu và tuổi trẻ học tập, noi theo./.

 

Theo Báo Bắc Ninh