Đào tạo nghề góp phần giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn. (Ảnh: QĐ)

Cụ thể, đến nay, các cơ sở đào tạo, các tổ chức đoàn thể… trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp thực hiện hỗ trợ đào tạo cho hơn 22.800 lao động khu vực nông thôn. Trong đó có 13.991 lao động nữ; lao động thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng là 108 người; lao động là người bị thu hồi đất nông nghiệp là 695 người; còn lại là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ là 35,2 tỷ đồng. Các ngành nghề được hỗ trợ đào tạo chủ yếu là trồng nấm, cà rốt, nghệ, nuôi trồng thủy sản, sản xuất mây tre đan… Người lao động được trang bị những kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành, bước đầu hình thành một số kỹ năng tổ chức sản xuất tại các hộ, nhằm phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn.

Đặc biệt, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã hình thành nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả. Tiêu biểu mô hình trồng nấm tại hộ gia đình được nhân rộng tại các xã ở huyện Lương Tài, Thuận Thành, Quế Võ. Sau khi được đào tạo nghề, các hộ đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất nấm. Một số hộ gia đình tập trung thành các tổ sản xuất nấm cho hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông nhàn với mức thu nhập nhập bình quân từ 1,5 - 2,0 triệu đồng/người/tháng. Hay mô hình trồng nghệ ở xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh và xã Bằng An, huyện Quế Võ cho thu nhập bình quân đạt trên 11 triệu đồng/sào…

Được biết, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành cho các cơ sở đào tạo nghề; gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo… Trong năm 2020, dự kiến đào tạo nghề nông nghiệp cho 800 lao động ở khu vực nông thôn, trong đó Sở Nông nghiệp và PTNT đào tạo cho 450 lao động, cấp huyện đào tạo cho 350 lao động với kinh phí hỗ trợ khoảng 1,5 tỷ đồng.

Mục tiêu của tỉnh Bắc Ninh là phấn đấu đến hết năm 2020, đào tạo cho 60% số lao động khu vực nông thôn các nghề nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo cho 20% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động khu vực nông thôn là chủ trương đúng đắn; qua đó góp phần tạo cơ sở để Bắc Ninh thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn./.

Quang Đạo