Đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Lễ phát động Lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” diễn ra tại Bắc Ninh ngày 4/6. Ảnh: bacninhgov.vn

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ toàn diện, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, Bắc Ninh đã tạo dựng được vị thế mới với nhiều chỉ tiêu nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất cả nước.

Năm 2019, là năm có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của cả giai đoạn và nhiệm kỳ, tạo tiền đề vững chắc đề Bắc Ninh phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, việc lựa chọn nội dung văn hóa công sở làm chủ đề của phong trào thi đua mang tầm quan trọng đặc biệt. Việc thực hiện văn hóa công sở tiến bộ văn minh đồng nghĩa với việc hình thành phong cách ứng xử, tác phong làm việc đúng mực, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.

Trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp, phong cách giao tiếp, ứng xử có những tiến bộ rõ rệt. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức đã và đang trở thành tấm gương trong thực hiện văn hóa công sở.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở. Một số nơi việc tiếp công dân chưa thường xuyên và chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2019, là năm quan trọng để tỉnh Bắc Ninh bước vào giai đoạn phát triển ở tầm cao mới với các động lực mạnh mẽ hướng tới xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 chính vì vậy các phong trào thi đua có vai trò quan trọng, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò, ý nghĩa quan trọng của các phong trào thi đua, chúng ta hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, cùng với đó chúng ta tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính trị quan trọng theo chủ đề mà Chính phủ đã đề ra “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém; “Cán bộ, công chức làm vì Nhân dân, do vậy phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân”.

Văn hóa công sở thể hiện sự phát triển toàn diện của địa phương, đơn vị trong đó có phương pháp tổ chức, quản lý, môi trường - cảnh quan, phương tiện làm việc, đạo đức nghề nghiệp. Bởi vậy mỗi  cán bộ, công chức, viên chức cần có phong cách giao tiếp ứng xử của một tác phong làm việc chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương.

Trong thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, đơn vị đã thể hiện sự chuyên nghiệp, phong cách ứng xử văn hóa, văn minh, lịch sự, hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả cao. Trang phục chuẩn hóa về hình thức, bài chí công sở khoa học phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của địa phương, đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp đến công tác, làm việc.

Nhằm hưởng ứng mạnh mẽ rộng khắp phong trào này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt các nhiệm vụ sau:

1. Xóa bỏ ngay thói quen làm việc thiếu kế hoạch cụ thể, để nước đến chân mới nhảy, nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm chễ các nhiệm vụ được giao. Văn hóa công sở phải gắn với gia đình và văn hóa xã hội. Cán bộ công chức phải thực sự nêu gương với người thân trong gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Văn hóa công sở là đúng giờ, không đi muộn về sớm, không dời nhiệm sở mà không có lý do chính đáng, không bỏ bê công việc, thực hành “làm hết giờ” sang “làm hết việc”, xóa bỏ thói xấu "sáng cắp ô đi, chiều cắp về”.

Văn hóa công sở phải gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị  tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu.

2. Tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện văn hóa công sở bằng việc thực hành nêu gương, bắt đầu từ cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, lãnh đạo làm gương, nhân viên soi vào. Vì vậy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công sở.

3. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức lối sống, đạo đức công vụ, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. Thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức; phải uốn nắn mình trở thành những con người mẫu mực, chuyên nghiệp, sáng tạo, luôn tận tụy, vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp.

Trong mọi vị trí và điều kiện công tác, phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, biết cách tổ chức công việc, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tạo sự tin tưởng và thân thiện với lãnh đạo, với đồng nghiệp và người dân. Đặc biệt, phải không ngừng thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong tình hình mới.

4. Thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, công sở văn minh, khoa học. Niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính tại mọi trụ sở.

Xây dựng môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả; không thể có một công sở có văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu các chuẩn mực của văn hóa, nội bộ căng thẳng, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác; mục tiêu làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương thay vì giá trị công việc được tạo ra và cống hiến. Do đó, cần thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, sẽ giúp khơi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và cống hiến”.

Cấp trên phải công tâm, khách quan, lắng nghe và tôn trọng cấp dưới. Cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công của cấp trên theo đúng quy định.

5. Mỗi cơ quan, đơn vị địa phương triển khai đồng bộ các quy định về văn hóa công sở, phát động phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Để hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và thông điệp của Chính phủ về “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” mỗi địa phương, đơn vị cần làm tốt các nhiệm vụ với những nội dung chính như sau:

Thứ nhất: Xây dựng lại hệ giá trị văn hóa chuẩn mực trong khu vực công sở phù hợp, bắt kịp với sự phát triển của địa phương, đơn vị. Đây là giá trị cốt lõi trong xây dựng văn hóa công sở. Vì văn hóa công sở không thể cân, đong, đo, đếm được trực tiếp mà nó được hình thành từ trong ý thức của từng người, tạo nên niềm tin, giá trị, động lực thôi thúc, ý thức, cách ứng xử và làm việc của mỗi cá nhân. Vì vậy mỗi cá nhân cần có niềm tin theo đuổi những giá trị văn hóa chuẩn mực mà các địa phương, đơn vị đề ra để thực hiện, theo đuổi. Niềm tin đó có được khi thủ trưởng các địa phương, đơn vị đó thực hành nêu gương để các nhân viên học tập, làm theo.

Thứ hai: Kiến tạo môi trường làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp, sáng tạo, thân thiện. Công sở như một xã hội thu nhỏ, ở đó các quan hệ tương tác giữa các cán bộ với nhau cần được xây dựng trên nền tảng thân thiện, giúp đỡ nhau, hòa đồng, chia sẻ để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Xóa bỏ tình trạng nội bộ tồn tại căng thẳng, soi xét, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác, ganh ghét lẫn nhau. Loại bỏ những cá nhân làm việc vì cái tôi, lợi ích cá nhân, vì tiền lương thay vì giá trị công việc làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung của cơ quan công sở. Môi trường công sở được tạo nên từ những cán bộ, công chức, viên chức có trái tim, có cảm xúc, có trí tuệ, có bản lĩnh chứ không phải là những cỗ máy bàng quang, vô cảm. Vì vậy, cần tạo môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, khởi nguồn cảm hứng sáng tạo, cống hiến.

Thứ ba: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tận tâm, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả vì nhân dân phục vụ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong mọi vị trí công tác cần nỗ lực hoàn thành công việc được giao, tạo sự tin tưởng, thân thiện với lãnh đạo, đồng nghiệp, người dân và doanh nghiệp. Xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp trong công việc, trong giao tiếp, ứng xử với lãnh đạo, đồng cấp, cấp dưới, người dân hay doanh nghiệp. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần sắp xếp công việc khoa học, chuyên nghiệp, sáng tạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng cần tích cực tham gia các hoạt động lành mạnh do cơ quan, đơn vị tổ chức./.

* Trích bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tại Lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. (Tiêu đề do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đặt)*.

Kim Chiến