Thực tế cho thấy, năm qua, dù gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, sân bãi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện của một số bộ môn, song với quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực của các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV), thể thao thành tích cao Bắc Ninh đã tự tin sánh vai cùng với các trung tâm thể thao lớn mạnh của cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Thành tích mà các đội tuyển đã đạt được trong một năm qua rất ấn tượng, khẳng định thể thao thành tích cao của tỉnh đang đi đúng hướng, đúng lộ trình đề ra.

Tính đến cuối năm 2019, ngành thể dục thể thao Bắc Ninh đang đào tạo 13 môn thể thao với 329 VĐV, trong đó có 2 môn thể thao thành tích cao tập thể là Bóng đá và Bóng chuyền. Đến nay, có những môn đã khẳng định được thương hiệu như: Vật, Boxing, Karatedo, Cử tạ, Đấu kiếm, Cờ vua. Năm 2019, thể thao thành tích cao của tỉnh cung cấp cho các đội tuyển Quốc gia nhiều VĐV tiềm năng, trong đó, có 20 VĐV được phong đẳng cấp kiện tướng, 30 VĐV cấp 1… Tại Giải Vô địch trẻ Đấu kiếm Quốc gia lần thứ X vừa kết thúc, Bắc Ninh đứng thứ Ba toàn đoàn với 2 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ (vượt chỉ tiêu ban huấn luyện đề ra 1 HCV tại Giải), chỉ đứng sau 2 đội có phong trào Đấu kiếm mạnh là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Bước ra sân chơi lớn hơn, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng góp phần mang vinh quang về cho đất nước, giúp Quốc ca Việt Nam tiếp tục vang lên trên đấu trường quốc tế. VĐV Đỗ Tú Tùng, môn Cử tạ, thi đấu xuất sắc giành 7 HCV quốc tế, thiết lập 3 kỷ lục trẻ thế giới mới; VĐV Trần Đăng Minh Quang giành 4 HCV, 2 HCB tại Giải vô địch Cờ vua trẻ Châu Á năm 2019. Tại kỳ SEA Games 30, Bắc Ninh vinh dự có 3 VĐV thể thao thành tích cao được chọn khoác áo đội tuyển Quốc gia tham gia thi đấu và xuất sắc giành được 2 HCB của VĐV Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Mạnh Cường; 1 HCĐ của VĐV Đồng Thị Thu Hiền. Đây là kết quả đáng ghi nhận, tạo khởi đầu một giai đoạn mới bứt phá của thể thao Bắc Ninh cho những năm tiếp theo và SEA Games 31 tại Việt Nam.

 
VĐV Đỗ Tú Tùng tiếp tục giành được 1HCV nội dung cử đẩy, 1HCB tổng cử và 1HCĐ cử giật tại giải Cử tạ trẻ thế giới. Ảnh: Đức Quý

Đặc biệt, sau 2 năm thành lập, Đội Bóng chuyền nữ Kinh Bắc đã khẳng định được “thương hiệu” trong làng bóng chuyền Việt Nam khi ghi dấu được nhiều thành tích ấn tượng. Sau khi được thăng hạng ở Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2018, Đội Bóng chuyền nữ Kinh Bắc đã tham gia thi đấu và giành được nhiều kết quả: Đứng vị trí thứ 5/8 đội mạnh tại Giải Bóng chuyền nữ quốc tế Cúp Liên Việt Postbank năm 2019 tổ chức tại Bắc Ninh; giành ngôi vị Á quân tại Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế cúp Truyền hình Vĩnh Long mở rộng năm 2019. Dù lần đầu tham gia thi đấu ở mùa giải chuyên nghiệp, song đội Bóng chuyền nữ Kinh Bắc đã xuất sắc giành được vị trí thứ 3 tại Giải vô địch Quốc gia PV GAS 2019. Điều này cho thấy một đội tuyển nữ bóng chuyền đang không ngừng trưởng thành, bản lĩnh, luôn đoàn kết, thi đấu quyết tâm trước mọi đối thủ. Dấu hiệu khởi sắc này còn khẳng định việc “đi tắt đón đầu” và quyết tâm gây dựng, phát triển thương hiệu bóng chuyền nữ Kinh Bắc - Bắc Ninh sánh ngang với những đơn vị bóng chuyền có tên tuổi trong nước như Thông tin Liên Việt Postbank, VTV Bình Điền Long An hay Ngân hàng Công thương… qua đó, tạo bước đệm cho Đội vươn tầm khu vực, quốc tế.

Có thể thấy, trong tiến trình hội nhập và phát triển, thể thao thành tích cao Bắc Ninh không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, từng bước xác lập được vị thế, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc. Thành quả ấy có được chính là nhờ sự quan tâm đầu tư đúng hướng của tỉnh, xây dựng hệ thống đào tạo bài bản, phân bố lực lượng khoa học. Từ việc quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT Bắc Ninh theo từng giai đoạn cụ thể đến việc đầu tư kinh phí cho cơ sở vật chất như xây dựng, cải tạo khu nhà tập, nhà ở cho VĐV cũng như các chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút những HLV, VĐV tài năng tham gia cống hiến cho tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Đương Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp. Trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện còn hạn chế, ngành sẽ thường xuyên gửi các đội tuyển thể thao trọng điểm đi tập huấn tại những nơi có phong trào mạnh. Khuyến khích các đội tuyển tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế để các VĐV được thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Qua đó, góp phần tô điểm cho bức tranh rực rỡ sắc màu của nền thể thao Việt Nam./.

Như Quỳnh