Hội Khuyến học tỉnh Bắc Ninh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (Ảnh: NQ)

Bắc Ninh – Kinh Bắc không chỉ nổi tiếng với những làn điệu quan họ mà còn là một mảnh đất giàu truyền thống hiếu học. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến tài của Bắc Ninh đã không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tại các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã xuất hiện hàng nghìn điển hình tiên tiến về thi đua khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập có sức lan tỏa rộng khắp từ gia đình, dòng họ tới cộng đồng dân cư. Điển hình là các phong trào lớn như “Tiếng trống khuyến học ban đêm” ở Yên Phong; “Người người, nhà nhà, làng làng làm khuyến học”ở Tiên Du”; “5 không” gồm không có học sinh bỏ học giữa chừng, không có nghiện hút, không vi phạm pháp luật, không đánh nhau, không trộm cắp ở Gia Bình; “Cày trên đường trí tuệ” ở xã Mão Điền, Thuận Thành; “Quy ước quản lý học sinh ngoài nhà trường” ở TP Bắc Ninh… Hàng năm, Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở đều được kiện toàn và phát triển mạnh mẽ. Hội Khuyến học các cấp đã quan tâm xây dựng quy chế hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ công tác khuyến học, mở rộng và phát triển các hình thức tổ chức, mô hình khuyến học theo địa bàn khu phố, thôn, làng hoặc theo dòng họ, các hội tự nguyện. Nhờ vậy, phong trào khuyến học, khuyến tài đã có sức lan tỏa với nhiều gia đình hiếu học, nhiều dòng họ khuyến học, nhiều cộng đồng học tập tiêu biểu ở các địa phương. Thực hiện “Cuộc vận động xây dựng Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập”, đến đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có hơn 314 nghìn hội viên Hội Khuyến học, đạt tỷ lệ gần 28% dân số; gần 200 nghìn gia đình đạt tiêu chí Gia đình học tập, chiếm 60%; 3.495 dòng học đạt tiêu chí dòng họ học tập (trước đây là dòng họ khuyến học), chiếm 65%; 629 thôn, khu phố đạt tiêu chí Cộng đồng học tập, chiếm 85%... Nhiều địa phương có tỉ lệ hội viên khuyến học cao như Tiên Du 39,25% dân số, có xã đạt 59,7% như xã Hoàn Sơn; Lương Tài 28,70%, Yên Phong 31%. Nhiều điển hình khuyến học của tỉnh Bắc Ninh đã có sức lan tỏa ra toàn quốc, được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm như Phú Mẫn, thị trấn Chờ (Yên Phong), Chi Trung, xã Tân Chi (Tiên Du), Song Hồ (Thuận Thành), thị trấn Thứa (Lương Tài)…

Theo đồng chí Nguyễn Bá Cự, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học tỉnh Bắc Ninh, Kội đã luôn chủ động phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai thực hiện ký kết chương trình phối hợp liên ngành vận động, hỗ trợ học sinh tới trường, phụ huynh tạo điều kiện cho con em học tập; các trường khắc phục khó khăn vươn lên dạy tốt, học tốt và tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Hội Khuyến học và ngành Giáo dục & Đào tạo tổ chức. Qua đó, nhiều mô hình khuyến học ra đời và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hàng năm, Hội Khuyến học các cấp cũng vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học bổng, khen thưởng, động viên kịp thời đối với giáo viên, học sinh giỏi; đạt thành tích cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh. Tổng số quỹ Hội Khuyến học toàn tỉnh tính đến cuối năm 2018 là hơn 60 tỷ đồng.

Đồng chí Đại tướng Phạm Văn Trà và đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh trao thưởng cho các em học sinh tiêu biểu (Ảnh: NQ)

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, tổ chức Hội Khuyến học phát triển rộng khắp, hoạt động nền nếp, hiệu quả đã góp phần đưa phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội. Ở mỗi khu phố, xóm thôn, trong từng cơ quan, đơn vị đều có những cách làm hay, việc làm thiết thực, cụ thể, tạo sự lan tỏa rộng khắp phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài. Từng địa phương đều có những điển hình tiên tiến, tạo nên những bông hoa đẹp trong vườn hoa khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập tại tỉnh Bắc Ninh.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, để đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung triển khai Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”; đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học. Cùng với việc phát huy sức mạng tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, Hội Khuyến học các cấp cũng sẽ kịp thời tuyên dương những cá nhân tiêu biểu, những tấm gương vượt khó vươn lên trên con đường học vấn.

Tin tưởng, phong trào khuyến học, khuyến tài sẽ thực sự là điểm tựa tin cậy chắp cánh cho những tài năng trẻ của quê hương quan họ ngày thêm tỏa sáng và cùng làm rạng rỡ truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc giàu truyền thống hiếu học./.

Bài, ảnh: Như Quỳnh