Là một miền quê giàu truyền thống văn hiến, mảnh đất Kinh Bắc - Bắc Ninh được biết đến với 547 lễ hội lớn, nhỏ; trong đó các lễ hội tập trung nhất vẫn là vào mùa xuân. Khắp các làng trên, xóm dưới, lời ca Quan họ cứ ngân vang, dạt dào làm say đắm bao du khách gần xa. Đặc sắc và tiêu biểu hàng đầu vẫn là Hội Lim, tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào ngày này, nam thanh nữ tú các nơi đổ về trẩy hội để được nghe câu Quan họ với đủ các hình thức từ hát đối đáp, hát canh đến hát hội, hát mừng. Bên cạnh đó, hệ thống hàng trăm di tích các loại cũng là tài nguyên quan trọng để Bắc Ninh phát triển du lịch. Chỉ tính riêng tại Thành phố Bắc Ninh hiện có 194 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 41 di tích cấp quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh; trên 80 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm. Thành phố cũng tự hào là nơi khởi nguồn Dân ca Quan họ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống ở Bắc Ninh là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có sức lan tỏa rộng lớn, phản ánh nét đặc sắc tiêu biểu nhất của văn hóa địa phương. Điển hình là một số lễ hội lớn thu hút đông người, có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư như: Hội Lim ở huyện Tiên Du; lễ hội chém lợn khu Ném Thượng, lễ hội kéo co làng Hữu Chấp, hội Đền Bà Chúa Kho ở Thành phố Bắc Ninh; lễ hội Đền Đô ở thị xã Từ Sơn; lễ hội chùa Bút Tháp ở huyện Thuận Thành… Nhìn chung, đa phần lễ hội tổ chức bảo đảm trang trọng, văn minh, phát huy tốt vai trò giáo dục truyền thống với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, hát dân ca quan họ, thể dục thể thao; tình hình an ninh trật tự trong lễ hội được bảo đảm.

Đông đảo du khách thập phương có mặt tại Hội Lim năm 2019 (Ảnh: NQ)

Đặc biệt, đối với di sản văn hóa phi vật thể Dân ca quan họ Bắc Ninh, tỉnh đã chú trọng phát huy tốt vai trò của 44 làng quan họ gốc, 369 làng Quan họ thực hành, 381 Câu lạc bộ Dân ca Quan họ và đội ngũ nghệ nhân Quan họ. Đến nay, sau gần 10 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Quan họ đã phát triển mạnh mẽ ở khắp các thôn, làng, cơ quan, đơn vị, trường học. Quan họ thực sự sống trong cộng đồng và trở thành nét sinh hoạt hàng ngày của người dân; đồng thời cũng là điểm nhấn góp phần tạo lên sức hút riêng có cho du lịch Bắc Ninh. Chính những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát triển di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh là nền tảng thu hút khách du lịch. Hàng năm, có hàng triệu lượt khách du lịch về tham quan, tìm hiểu vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc để được nghe câu Quan họ nghĩa tình. Trong nhịp sống hiện đại, Dân ca Quan họ vẫn được đông đảo công chúng đón nhận, đây là nguồn mạch trong lành giúp cho di sản văn hóa quý giá này ngày càng có sức sống mạnh mẽ. Theo đánh giá của các hãng lữ hành khi về Bắc Ninh tìm hiểu, Dân ca Quan họ hoàn toàn có thể xây dựng thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn níu du khách. Du khách về Bắc Ninh, đến Đền Vua Bà tìm hiểu lịch sử Quan họ rồi vào nhà chứa nghe ca Quan họ, thưởng thức ẩm thực, đây là một hành trình thú vị. Trong năm 2018 vừa qua, hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao với tổng doanh thu đạt 855 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017; tổng lượt khách đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017. Chủ trương gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã có những đóng góp quan trọng vào những kết quả đáng khích lệ này.

Một tiết mục Dân ca Quan họ tại chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ miền Quan họ” (Ảnh: NQ)

Tình cờ gặp chúng tôi lễ hội truyền thống Đền Đô, chị Nguyễn Phương Lam, du khách đến từ Hà Tĩnh vui vẻ cho biết: “Dù công việc bận rộn, nhưng hàng năm tôi đều cố gắng sắp xếp về vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc, khi thì đi cùng bạn bè, anh em, người thân để cùng tìm hiểu, khám phá văn hóa của vùng đất giàu truyền thống văn hiến cách mạng và đậm chất trữ tình này”. Thực tế đã chứng minh, di sản văn hóa là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến với Bắc Ninh. Đây cũng là “chìa khóa” giúp định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Ninh. Di sản văn hóa cũng là môi trường tương tác và là những trải nghiệm đáng giá cho du khách, qua đó trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Cũng chính sức cuốn hút ấy của di sản văn hóa đã tạo nên những làn sóng đầu tư vào du lịch di sản, những dòng khách du lịch tấp nập đổ về tham quan. Điều đó mang lại không chỉ những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế xã hội, mà còn bảo tồn chính di sản văn hóa.

Để phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, bên cạnh làm tốt công tác bảo tồn, Bắc Ninh sẽ tập trung khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của địa phương để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch với đặc thù, cạnh tranh cao. Đồng thời phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch nhất là những sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa Quan họ.

Có thể nói, thực hiện chủ trương gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đang mở ra hướng phát triển hiệu quả, bền vững cho “ngành công nghiệp không khói” của Bắc Ninh. Bởi đây chính là điều kiện để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch cũng như vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của toàn tỉnh./.

Như Quỳnh