Hồ nước trong xanh chạy dọc ba làng Ngang Kiều, Ngang Nội,
Ngang Na (xã Hiên Vân, huyện Tiên Du).

 

Theo người dân bản địa, ba làng Ngang nằm dọc theo một sườn núi hình con Rồng.  Làng Ngang Kiều ở phần đầu Rồng nên xưa nay cuộc sống phóng khoáng. Ngang Na ở giữa thuộc phần bụng Rồng nên không bao giờ sợ đói. Ngang Nội ở phần đuôi Rồng nên nước cuối nguồn không được trong vì thế mà xưa người dân dễ bị đau mắt... Nằm ở vị trí long mạch đắc địa nên dân gian sáng tạo và lưu truyền cả kho di sản văn hóa phi vật thể với ăm ắp những giai thoại, huyền thoại, truyền thuyết cùng các tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội... Trong cuốn “Làng cười xứ Bắc”, nhà nghiên cứu Trần Quốc Thịnh cũng đề cập đến địa danh Hiên Ngang xưa là một trong 14 làng cười (làng nói tức, nói khoác) của xứ Kinh Bắc...

Ba làng Ngang cùng phụng thờ hai vị tướng Hùng Long và Hùng Sơn làm Thành hoàng. Qua các nguồn tư liệu, thần tích, thần phả và người dân địa phương truyền lại, trên dải đất của ba làng Ngang ngày nay, từ thủa xa xưa, thời vua Hùng thứ 6, hai vị tướng Hùng Long và Hùng Sơn đã nhìn ra thế long mạch đắc địa nên quyết định đóng đồn lập trại tại đây. Hai vị tướng sau đó giúp phò tá Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân xâm lược từ buổi bình minh lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Không chỉ có công đánh giặc Ân mà hai vị tướng còn lập ấp, mở làng và dạy dân canh tác, sản xuất nông nghiệp, trồng các loại rau quả. Một đặc sản nức tiếng bao đời là món Rau muống tiến vua mà thời gian gần đây các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian và giới truyền thông đương đại  vẫn nhắc đến.


Ngự trị trong tiềm thức cộng đồng qua hàng nghìn năm, hàng trăm thế hệ, công đức của hai vị Thành hoàng-Hùng Long và Hùng Sơn được nhân dân ba làng Ngang tôn vinh phụng thờ và hàng năm đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và giáo dục truyền thống. Mặc dù tôn thờ chung Thành hoàng làng nhưng không rõ từ bao giờ ba làng Ngang có quy ước mở hội vào ba ngày khác nhau. Làng Nội mở hội ngày 4 tháng Giêng, làng Kiều mở hội ngày 8-2 Âm lịch đến ngày 10-8 Âm lịch thì làng Na mở hội. Tương tuyền, ngày 4 tháng Giêng là ngày hai vị Thánh tiến quân đến vùng đất Hiên Ngang rồi lập đồn trại. Ngày 8-2 là ngày sinh hai vị tướng Hùng Long và Hùng Sơn và ngày 10-8 là ngày thiết yến hội binh cùng Thánh Gióng xuất quân đánh giặc Ân. Còn lại các ngày giỗ, ngày thắng trận khao thưởng binh sĩ... thì cả ba làng đều cúng tế tại đền, đình của mỗi làng.


Hàng năm theo thông lệ, trước ngày diễn ra lễ hội của làng nào thì làng đó đến làm lễ rước đôi ngựa hồng và ngựa bạch từ Nghè Kiều về tế lễ tại đình của làng mở hội. Tương truyền, khi xưa ngài Hùng Long cưỡi ngựa hồng và Hùng Sơn cưỡi ngựa bạch để đánh trận nên người dân tổ chức lễ rước ngựa và kiệu Thánh. Lễ rước được cử hành trang trọng với ý nghĩa biểu dương sức mạnh và thể hiện sự gắn kết cộng đồng làng xã. Trong tiếng trống chiêng rộn ràng, đi đầu đoàn rước là đội múa lân rồng, cờ xí, cờ trận phấp phới, phường bát âm náo nhiệt. Kế tiếp là 10 ông quan đám làng Kiều-làng giữ ngựa, rồi đến 10 ông quan đám làng mở hội, tiếp theo là 10 ông quan đám làng còn lại. Trung tâm đoàn rước là kiệu Thành Hoàng rồi đến đôi ngựa, sau cùng là các bậc cao niên, đội nghi lễ, đại diện các tầng lớp nhân dân... Đôi ngựa được giữ lại ở đình của làng mở hội khoảng 3-5 ngày để làm lễ. Trước ngày chính hội, thanh niên trai tráng làng mở hội rước chóe xuống ao đình lấy nước rước về làm lễ mộc dục, tắm ngựa. Đến ngày chính hội, hội đồng bô lão, các cụ thượng và các giáp đinh trong làng mới lần lượt tổ chức tế lễ, ôn lại truyền thống đánh giặc của hai vị Thành Hoàng làng. Khi kết thúc lễ hội, làng mở hội lại rước đôi ngựa trả về dinh ở Nghè Kiều.


Những ngày diễn ra lễ hội có nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: Thi nấu cơm, đồ xôi bằng lá cây trám, thi xếp hình theo chữ vua ban trong sắc phong, thi đấu trận giả giữa các nhóm thanh niên trai tráng được tuyển chọn để tái hiện lại không khí luyện quân của hai vị tướng... Sau này, có thêm các hoạt động múa lân rồng, thi chạy hóa trang (chạy Dó), thi đấu vật, đánh đu, bắt vịt dưới ao, đi thăng bằng trên cầu tre. Đặc biệt trong lễ hội còn có hát thướng Ca trù, hát Quan họ, hát chèo, chầu văn...


Có nhiều nghi thức đặc sắc với những giá trị độc đáo song do biến động lịch sử, các ngôi đình của ba làng Ngang bị tiêu thổ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp xâm lược vì thế nghi thức lễ rước cũng mai một, không còn được thực hành như xưa. Vừa qua, lễ hội ba làng Ngang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm kê, hoàn thiện hồ sơ đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh... Nhà báo, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Công Hảo, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh là người dày công sưu tầm, tìm hiểu về vùng đất văn hóa giàu truyền thống này cho rằng: Việc nghiên cứu về lễ hội ba làng Ngang cùng với lễ rau muống tiến Thánh ở đất Hiên Ngang rất cần thiết để làm giàu thêm tri thức văn nghệ dân gian của dân tộc, góp phần làm rõ thêm nguồn gốc sinh ra các lễ hội làng xã  Bắc Ninh cùng với những tập tục, tín ngưỡng ở các cộng đồng dân cư trong tỉnh. Đặc biệt, góp thêm một góc nhìn về những kỳ tích, sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong buổi đầu lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn giang sơn, đất nước. Qua đó, còn cho thấy được ý thức người dân bản địa luôn trân trọng, gìn giữ các di sản cha ông, là một phần trong nét đẹp phẩm cách của con người văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc./.

Theo Báo Bắc Ninh